Thứ Hai, 28 tháng 1, 2019

Lắp barie đón chào người có tài

Mọi tiêu chuẩn vốn chỉ là thước đo những người không bộc lộ được tài năng. Hiền tài là người đã hiển lộ tài năng rồi, sao phải áp thước đo tầm thường?

Đất nước muốn hóa rồng phải kết đủ nguyên khí. Nhân tài chưa tới nỗi như lá mùa thu, nhưng cũng phải biết cách gọi thì mới có lực hút với họ. Tinh thần trải thảm đỏ đón nhân tài đã được các cấp lãnh đạo nói rất trôi chảy, nhưng việc thực hiện lại vô cùng ì ạch.

Hiện tượng nhiều nhân tài được tuyển đưa đi đào tạo ở nước ngoài song không trở về phục vụ không phải hiếm. Có thành phố đã phải có ý kiến về 7 nhân tài được chăm lo bằng ngân sách nhà nước đã một đi không trở lại.

Giáo sư Ngô Bảo Châu nói rằng "Chất xám sẽ chạy về nơi chất xám muốn ở". Nhiều năm kia, môi trường của chúng ta khó mà giữ được tiếng đàn của Đặng Thái Sơn ở lại. Thời ấy, nghệ sĩ đi thi quốc tế còn không có áo biểu diễn đúng nghĩa.

Cái thời đó, người dân cặm cụi kiếm miếng ăn, có ai ngẩng mặt lên mà nghe Chopin được đâu. Nhưng bây giờ thì không ít người đã đủ ăn mặc và sẵn sàng chuẩn bị cho nhạc Chopin rồi đấy. Lác đác nghệ sĩ trưởng thành từ trời Âu đã quay lại thảm đỏ Việt.

Minh họa của Tả Từ.

Một tiến sĩ sau khi giảng dạy 3 năm tại đại học bang ILLINOIS (Mỹ) trở về một trường đại học ở Hà Nội. Tưởng đã bước qua thảm đỏ thì một cán bộ bảo hồ sơ của anh phải xét phần trình độ chuyên môn tiếng Anh.

Tiến sĩ này dạy đại học ở Mỹ thì lẽ nào lại không nói được tiếng Anh. thực tế vị này sành sỏi 4 ngôn ngữ và thường viết tham luận, tiểu luận thẳng bằng ngoại ngữ, nhưng theo chuẩn của ngành thì vẫn phải làm cho đúng. Vậy chúng ta cần hiền tài hay cần chuẩn. Nếu chuẩn chưa phù hợp thì sao ta không chỉnh lại chuẩn.

Vừa rồi, vị giáo sư tiến sĩ tại Mỹ Trương Nguyện Thành - người có được sự tín nhiệm từ hội đồng quản trị với 16/18 phiếu đã không đủ tiêu chuẩn để triển khai Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen - chỉ vì theo Luật Giáo dục của ta thì phải có 5 năm kinh nghiệm quản lý khoa/phòng của một sơ sở giáo dục đại học.

Theo luật này thì mọi giáo sư tiến sĩ của Đại học Tổng hợp Lomonosov, Đại học Harvard, Đại học Bắc Kinh cũng không thể làm hiệu trưởng tại nước ta. Hay nói kiểu đường phố là bị “loại từ vòng gửi xe”.

Ô hay! Kinh nghiệm đâu phải là tài năng? Kinh nghiệm thì đầy ra chứ nhân tài đâu dễ gặp. Ta cần hiền tài thao lược hay cần kinh nghiệm?

Xem sách cổ, nhân tài xưa tiếp cận vua bằng nhiều đường. Có khi được tiến cử, có khi phải đóng giả ăn mày chặn kiệu vua giữa chợ. Có nhà vua trò chuyện với hiền nhân 3 ngày đêm rồi giao cả chính sự cho điều hành. Kết quả thiên hạ thái bình, quốc gia cường thịnh.

Mọi chuẩn không phù hợp thì thay. quy trình đúng mà kết quả tồi thì đổi quy trình. Tôn thờ quy trình kém là vùi dập tương lai.

Mọi tiêu chuẩn vốn chỉ là thước đo những người không bộc lộ được tài năng. Hiền tài là người đã hiển lộ tài năng rồi, sao phải áp thước đo tầm thường? Thế khác nào có tai như điếc, có mắt không tròng?

Nhiều người ví von chúng ta trên trải thảm, dưới rải đinh. Nói nhẹ hơn là trải thảm xong dựng vô số barie.

Còn bạn. Bạn có thích hiền tài phải làm vận động viên nhảy rào qua vô số barie không?

Nguồn: Dựng barie đón người có tài

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét