Là món ăn quen thuộc nhưng tàu hủ ở Sài Gòn “biến hóa” đa dạng từ gánh hàng rong truyền thống đến cửa hàng hiện đại, giúp bạn tha hồ lựa chọn khi muốn thưởng thức.
Trời nóng nực, oi bức, có ngay tàu hủ đá mát lạnh. Trời mưa dầm rả rích, có ngay tàu hủ nóng ấm bụng. Là món ăn dân dã, bình dị làm từ đậu nành, tàu hủ (đậu hủ) được đa số người yêu thích bởi sự “đa năng” thế đấy.
Chưa dừng lại đó, với sự sáng tạo không giới hạn của các tâm hồn ăn uống, tàu hủ ở Sài Gòn còn được biến tấu với rất nhiều phong cách khác nhau, đủ để bạn không thấy nhàm chán.
Trên các nẻo đường Sài Gòn, không quá khó để tìm thấy một gánh hàng rong bán tàu hủ. Đó có thể là đôi quang gánh trên vai với hai đầu thúng, hay “tân tiến” hơn là những nồi tàu hủ được chở trên yên sau của chiếc xe đạp.
Tàu hủ hàng rong thường được gắn nhãn “truyền thống cổ truyền”, với hương vị là nước đường vàng ngọt ngào, sóng sánh chan lên bề mặt, điểm thêm vài lát gừng thơm lừng.
Người miền nam bộ thích vị beo béo của nước cốt dừa thơm mùi lá dứa, nên không rụt rè cho thêm vào tàu hủ. Ngoài ra, luôn luôn phải có bánh lọt bột năng, còn gọi là bột dai, trân châu, thạch… Thật thú vị khi được nhai một miếng bánh lọt, nghe dai giòn sựt sựt bên tai rồi tan nhanh dần trong miệng.
Ở Sài Gòn, người ta hay nhắc đến gánh tàu hủ ở đường Đinh Tiên Hoàng, ngay góc giao với đường Nguyễn Văn Giai (quận 1). Gánh bán buổi sáng, ngoài tàu hủ còn có sữa đậu nành, giá chừng 5.000-6.000 đồng đổ lại.
Nhiều “tín đồ tàu hủ” cũng hay rủ nhau chờ đến sau 21h hàng ngày để thưởng thức món ăn yêu thích này trong một hẻm nhỏ đường Bùi Đình Túy (quận Bình Thạnh). Quán không có mặt bằng nên đôi lúc khá bất tiện cho việc để xe, cũng tương tự ngồi chồm hổm trên những chiếc ghế con, húp tàu hủ xì xụp.
Muốn ngồi “cố định” hơn, không ít người chọn quán tàu hủ góc đường Lê Thánh Tôn – Trương Định (quận 1). Khách của quán “Tây – Ta” có đủ. Cũng nước cốt dừa, bánh lọt xanh màu lá dứa, nhưng tàu hủ ở đây dùng đường cát trắng, không phải nước đường pha sệt như nhiều nơi.
Điểm chung của các gánh hàng tàu hủ này thường là “trung thành với bản gốc”, giá tốt, từ 5.000-10.000 đồng. nhiều người dân chọn ăn 2, 3 chén một lúc là chuyện thường.
Điểm đặc biệt tại chỗ này chính là sự thêm thắt nhiều nguyên liệu topping nhiều mẫu mã, biến thành một “tổ hợp tàu hủ” đa dạng không đếm xuể.
Dừa bào sợi trắng tinh, hạt sen bùi bùi, các loại đậu nhiều màu sắc, trân châu dẻo, dai, ánh flan béo ngậy, thạch phô mai sựt sựt, sương sa hạt lựu bắt mắt, hạt é thanh mát… Đủ loại trái cây tươi giòn, thơm ngon như sầu riêng, mít, dâu, đào, vải… Chỉ mới nhiêu đó topping thôi, bạn có thể liệt kê đủ tên từng loại tàu hủ ăn kèm không? Hay gọi chung là tàu hủ “thập cẩm”, tàu hủ “tả pí lù” cho gọn nhỉ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét