Áp dụng lối sống lành mạnh, bổ sung thêm vitamin E, giảm thực phẩm chứa đường, giảm chất béo bão hòa, mỡ động vật, nói không với bia rượu, tránh thức khuya và thường xuyên vận động sẽ giúp gan khỏe khoắn, giảm lượng mỡ tích tụ.
Bổ sung vitamin E
Vitamin E có công dụng chống oxy hóa, bảo vệ màng tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Vitamin E góp phần bảo vệ gan bằng cách giảm hoặc loại bỏ những tổn thương do viêm gây ra.
Nhu cầu vitamin E mỗi ngày khoảng 400-1200 đơn vị. Loại vitamin này có trong thực phẩm như hạnh nhân, đậu phộng, quả bơ, cải bó xôi, bông cải xanh, cá hồi… Nếu thức ăn không cung cấp đủ lượng vitamin E cơ thể cần, bạn có thể bổ sung bằng đường uống, nên hỏi ý kiến bác sĩ về thời gian và hàm lượng bổ sung.
Hạn chế thực phẩm chứa đường
Người mắc bệnh gan nhiễm mỡ nên tránh hoặc giảm đường và các món nhiều đường vì chúng ít chất dinh dưỡng, dễ kích hoạt tiến trình sản xuất chất béo ở gan. Sản phẩm chứa carbohydrate thường có chỉ số đường huyết cao, ít chất xơ, bao gồm gạo trắng, xôi, bánh mì trắng, mì gói, các sản phẩm từ ngô. Hệ tiêu hóa phân hủy các thực phẩm này nhanh, tạo thành đường, góp thêm phần làm tăng lượng đường trong máu và tăng mỡ trong gan.
Người bệnh gan nhiễm mỡ nên đọc bảng thành phần dinh dưỡng thực phẩm để xác định hàm lượng đường.
Hạn chế chất béo bão hòa, mỡ động vật
Món ăn nhanh như gà rán, khoai tây chiên, hamburger, sandwich kẹp thịt, pizza… không tốt cho gan vì có hàm lượng chất béo bão hòa cao. Loại chất béo này làm tăng tình trạng viêm, khiến các tế bào gan tổn thương, nguy cơ cao dẫn đến viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Chất béo bão hòa cũng có thể làm tăng cholesterol xấu và giảm cholesterol tốt trong cơ thể. Tiêu thụ quá nhiều thức ăn chiên rán, nhiều dầu mỡ làm tăng lượng calo nạp vào, có thể dẫn đến béo phì và hội chứng chuyển hóa. Tình trạng này không chỉ khiến gan nhiễm mỡ nặng hơn mà còn tăng nguy cơ mắc bệnh khác như bệnh tim, đột quỵ, ung thư…
Hạn chế bia rượu
Uống càng nhiều bia rượu, tỷ lệ mỡ trong gan càng cao, thúc đẩy bệnh tiến nhanh đến viêm gan, xơ gan. Nếu bắt buộc phải dùng bia rượu, bạn nên uống với lượng vừa đủ theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dùng tối đa 14 g cồn mỗi ngày, tương đương với một lon bia hoặc 100 ml rượu vang hay 25 ml rượu có nồng độ cồn 40 độ.
Giảm cân lành mạnh
Bệnh gan nhiễm mỡ có thể được cải thiện bằng cách giảm cân. Giảm khoảng 5% trọng lượng cơ thể giúp giảm mỡ trong gan. Giảm 7-10% trọng lượng cơ thể có thể cải thiện tình trạng viêm và tổn thương tế bào gan.
Theo bác sĩ Thùy khuyến cáo nên giảm cân khoa học, bắt đầu khoảng 0,5 kg mỗi tuần. Không nên giảm cân nhanh dễ làm trầm trọng thêm tình trạng viêm và xơ hóa.
Thường xuyên vận động
Tập thể dục thường xuyên để rèn luyện sức khỏe toàn diện, tăng sự dẻo dai và sức đề kháng, đốt cháy lượng mỡ thừa trong cơ thể. Lượng mỡ trong cơ thể giảm đồng thời lượng chất béo ở gan cũng tiêu hao, cải thiện mỡ tích tụ thừa trong gan.
Tùy vào thể trạng, mỗi cá nhân nên chọn môn thể thao phù hợp với khả năng vận động. Người mới tập luyện nên làm quen từ từ và tăng dần cường độ. Khi đã quen nên vận động 30 phút mỗi ngày và duy trì 5 lần mỗi tuần.
Tránh thức khuya
Bác sĩ Thùy dẫn nghiên cứu cho biết người trưởng thành đi ngủ muộn có nguy cơ cao mắc gan nhiễm mỡ. Ngủ sớm và cải thiện chất lượng giấc ngủ giúp giảm 29% nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ.
Theo các nhà khoa học, khoảng thời gian 1h-3h là lúc gan hoạt động mạnh nhất để bài tiết mật, giúp cơ thể phân giải chất béo, cholesterol trong thức ăn và máu. Ngủ càng ngon và đủ giấc, gan loại trừ mỡ xấu trong cơ thể càng hiệu quả. Nên ngủ trước 23h để có giấc ngủ sâu vào khoảng 1h.
Bác sĩ Thùy khuyên mọi người giữ tinh thần thoải mái, khám sức khỏe định kỳ mỗi 3-6 tháng một lần. Người có triệu chứng căng thẳng mệt mỏi, buồn nôn, chán ăn, vàng da, đau nhẹ hạ sườn phải… nên sớm đến bác sĩ khám và điều trị lành mạnh và tích cực bệnh nếu có.
Nguồn: Hướng dẫn giảm mỡ trong gan hiệu quả nhờ lối sống lành mạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét